3 lễ hội không thể bỏ qua ở Quảng Ninh năm giáp thìn 2024
Quảng Ninh được biết đến là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá với hàng trăm di tích, danh thắng, hàng chục lễ hội làng, hội chùa, trong đó có những lễ hội đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, nhiều lễ hội diễn ra vào dịp đầu xuân, rất thuận lợi để du khách trẩy hội xuân, tham quan, vãn cảnh.
Khai hội xuân Yên Tử (ngày 10 tháng Giêng). Đây là lễ hội có quy mô tổ chức, thời gian diễn ra lớn nhất trong các lễ hội ở Quảng Ninh. Non thiêng Yên Tử gồm hệ thống chùa, tháp phân bố từ đầu Dốc Đỏ tới xã Thượng Yên Công lên tới chùa Đồng trên đỉnh núi Yên Tử. Tất cả đều gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử được xem như kinh đô Phật giáo Việt Nam thời Trần.
Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả) (ngày 3 tháng 2 âm lịch) thờ danh tướng Trần Quốc Tảng thường thu hút du khách ngay từ những ngày áp Tết. Khách viếng thăm đền thường kết hợp thăm đền Cặp Tiên (xã Đông Xá) và thăm chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn). Giống như hội xuân Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông diễn ra vài tháng mùa xuân, thường thu hút hàng triệu lượt khách viếng thăm.
Lễ hội Xuân Ngọa Vân Yên Tử Lễ hội Xuân Ngọa Vân được tổ chức thường niên vào ngày 9 tháng Giêng và diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Tại Lễ khai hội Xuân Ngọa Vân diễn ra nhiều hoạt động độc đáo: Phần nghi lễ cầu quốc thái, dân an; gióng trống - thỉnh chuông khai hội và các trò chơi dân gian đặc sắc. Lễ hội là hoạt động văn hóa mang giá trị nhân văn sâu sắc, với ý nghĩa hướng về cội nguồn; đồng thời là dịp để các tầng lớp Nhân dân, Phật tử, du khách hành hương về Ngọa Vân, Đông Triều - vùng đất Phật để dâng hương, kính lễ, tri ân công đức to lớn của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và tôn vinh những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm.
Ngoài ra, còn có nhiều hội đình, hội làng khác được tổ chức. Mỗi lễ hội lại có màu sắc văn hoá và sự hấp dẫn riêng.