Tin mới Liên hệ

Ngôi đền thiêng thờ thần một chân trên đỉnh núi

CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ MQT 16/01/2024

Một địa điểm nhất định du khách phải ghé thăm và chiêm bái khi du lịch biển Sầm Sơn là Đền Độc Cước. Nơi đây là ngôi đền linh thiêng bậc nhất tại Sầm Sơn (người dân địa phương kính gọi là “Đền Thượng”) với cảnh sắc hữu tình, trang nghiêm cổ kính. Cùng Memory Queen Travel  khám phá vẻ đẹp của Đền Độc Cước Sầm Sơn và tìm hiểu xem Đền Độc Cước thờ ai? cũng như sự tích về Thần Độc Cước qua bài viết này.

Được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ 13-14), đền Độc Cước nằm ở cửa biển Sầm Sơn được mệnh danh là ngôi đền linh thiêng bậc nhất vùng biển xứ Thanh.

Đền Độc Cước nằm trên đỉnh núi Cổ Giải (còn gọi là cổ con rùa biển), thuộc dãy Trường Lệ, TP Sầm Sơn. Dù không bề thế, nguy nga nhưng vẻ cổ kính rêu phong, đậm màu sắc huyền bí của ngôi đền thường thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến tham quan, dâng hương, đặc biệt vào các dịp lễ tết.

Theo các tài liệu lịch sử địa phương, đền Độc Cước được xây dựng vào thời nhà Trần nhằm tưởng nhớ công lao của vị thần một chân có công lao đánh đuổi quân giặc, giữ bình yên cho làng biển. Ngôi đền gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xẻ đôi thân mình để vừa đánh đuổi quỷ dữ ngoài khơi vừa đánh quân thù trong đất liền bảo vệ dân làng.

Điểm đặc biệt nhất trong ngôi đền chính là pho tượng được tạc bằng gỗ nguyên khối, sơn màu đen, được đặt ở vị trí trang trọng ở toà trung đường. Bức tượng cao tầm 30-40 cm, mang hình dáng bán thân bổ dọc. Vị thần mặc áo võ tướng tay cầm vũ khí, thần thái toát lên vẻ uy dũng, oai phong.

Cuốn Tuyển tập Truyền thuyết Thanh Hóa chép, vùng đất Sầm Sơn xưa kia vốn yên bình, người dân làng biển mỗi ngày siêng năng vươn khơi đánh bắt tôm cá mưu sinh. Một ngày nọ, bỗng đâu trên biển xuất hiện đám quỷ hình thù kỳ quái hung dữ, chúng vào bờ cướp phá, đánh giết dân làng man rợ.

Loài quỷ biển hung hãn, không chỉ ăn tươi nuốt sống ngư dân chúng bắt gặp mà khi khát mồi, chúng còn mò vào đất liền càn quét khiến cho đời sống cư dân trong vùng luôn trong cảnh nơm nớp lo sợ. Nhiều gia đình phải rời bỏ quê hương bản quán, dắt díu nhau đi tha phương cầu thực.

Khi ấy, cậu bé Độc Cước lớn nhanh như thổi. Chỉ trong một thời gian ngắn đã vươn mình thành một chàng trai cao lớn, sức khỏe phi thường có thể xông pha đánh đuổi bầy quỷ hung tợn. Để giải thoát cho ngư dân khỏi cuộc sống khổ cực, chàng khổng lồ đã rèn một cây búa lớn bằng đồng, chuẩn bị tâm thế chiến đấu với bầy quỷ biển.

Chàng bày cách cho những chiếc bè của ngư dân chụm lại, kết liền thành khối và những người dân chài tựa lưng vào nhau, tay lăm lăm những cây sào nhọn hoắt chĩa ra đằng trước, tạo thành lớp bảo vệ và sẵn sàng đâm bọn quỷ biển. Đối diện với lũ quỷ đông đúc hung hãn, chàng khổng lồ vung búa, dũng mãnh lao vào chiến đấu. Trận chiến diễn ra khốc liệt cho đến khi lũ quỷ tan tác, biến mất tăm hơi chỉ còn lại chàng khổng lồ người nhuốm máu đỏ đứng bên cạnh những người dân chài bình yên vô sự.

Kể từ đó, ngày ngày chàng khổng lồ vươn khơi đánh cá cùng ngư dân. Một hôm, chàng khổng lồ cùng ngư dân trở về, thấy làng xóm xơ xác, biết rằng lũ quỷ lại đến phá quấy. Trước tình thế đó, chàng khổng lồ quyết định tự xẻ đôi thân mình, một nửa đứng trấn trên hòn Cổ Giải, một nửa thân mình theo bè mảng cùng ngư dân ra khơi... Từ đó, làng biển bình yên trở lại.

Tương truyền, nửa thân chàng khổng lồ đứng trên đỉnh núi, bàn chân in sâu vào đá, lưu lại ngàn năm. Tin rằng đó là vị thần trên thiên đình được sai xuống trần gian giúp giải trừ tai ương cho bách tính, người dân làng biển Sầm Sơn đã lập đền thờ ngay tại nơi có vết chân vị thần để lại. Đền được đặt tên là Độc Cước, đồng thời suy tôn ngài là vị thần bảo hộ dân làng.

Hằng năm, cứ đến dịp 16/2 Âm lịch, người dân làng biển xứ Thanh lại tổ chức lễ hội cầu phúc, mong cho đất nước được thanh bình, người dân được mùa vụ bội thu, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Ngoài dịp lễ này, tại đền Độc Cước còn diễn ra lễ hội bánh chưng bánh giầy vào 12/5 Âm lịch hàng năm. Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự.

Đền Độc Cước tuy không bề thế song có kiến trúc rất độc đáo. Để lên tới đền chính trên đỉnh núi, từ phía đường Hồ Xuân Hương, du khách phải vượt qua con đường dốc với khoảng 40 bậc thềm bằng đá. Khu đền chính được xây dựng theo kiểu chữ đinh, gồm tiền đường, trung đường và hậu cung.

Phía tay phải đền chính là tháp nghinh phong (còn gọi là tòa phương đình), tương truyền đã được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Tháp nghinh phong có kết cấu hai tầng 8 mái, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn, nhìn từ xa giống như một tòa sen đang dần mở cánh bên bờ biển xanh bao la. Phía tay trái là phủ Mẫu, nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu, được phục dựng từ năm 1992.

Không chỉ mang vẻ cổ kính, huyền bí, đền Độc Cước hiện còn lưu giữ 8 đạo sắc phong do triều đình phong kiến các thời kỳ ban tặng. Các đạo sắc phong được giữ gìn, trông coi cẩn thận và chỉ được mở ra khi có sự kiện trọng đại.

Trong số 8 đạo sắc phong thì sắc phong năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783, thời vua Lê Hiển Tông) là nổi bật nhất. Nội dung sắc phong cổ ghi: "Độc Cước là vị thánh linh thiêng vào bậc nhất trong hàng thánh mà không vị nào bằng. Ngài đem sự tài giỏi, linh thiêng ấy để gìn giữ bờ cõi cho đất nước, bảo vệ dân làng và muôn vật. Đối với kẻ ác thì trừng trị thẳng tay, thật là một vị thánh đầy đủ nhân hậu".

Năm 1962, đền Độc Cước được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cùng với các di tích phụ cận ở Sầm Sơn như hòn Trống Mái, đền Tô Hiến Thành và đền Cô Tiê

Bài viết liên quan